Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

VÀI Ý KIẾN VỀ ĐỀ TÀI "TRUNG ĐẠO"



VÀI Ý KIẾN VỀ ĐỀ TÀI "TRUNG ĐẠO"
Nguyên Phước (BS Trịnh Đình Hỷ)
22.9.2015

1) Đầu tiên, theo tôi giáo lý đạo Phật không phải là một hệ thống triết lý đồng nhất như một khối, mà gồm nhiều dòng tư tưởng đến bồi đắp thêm vào giáo lý đầu tiên của đức Phật Thích Ca, trong một thời gian kéo dài hơn 1300 năm, đến khi mà các tông phái chính của Đại Thừa đã xuất hiện đầy đủ (đó là chưa kể những đóng góp của các vị thiền sư, tăng ni, cư sĩ cho đến tận bây giờ).
Dĩ nhiên, những dòng tư tưởng này đến với dòng thời gian, dòng trước ảnh hưởng lên dòng sau, và dòng sau phản ứng lại dòng trước.
Như vậy, cũng như trong một dòng sông, nước sông trộn lẫn với nhau nhưng các nguồn nước rõ ràng khác biệt, « hòa nhưng bất đồng »…
2) Trong bối cảnh xã hội, văn hóa tại Ấn Độ vào thế kỷ VI-V trước CN, đạo Phật xuất hiện như một con đường không chính thống (nastika), có thể nói là phản kháng, đối với các đạo chính thống (astika), như Bà La Môn và các đạo công nhận Kinh Veda.
Trong khi các đạo đó chủ trương hòa đồng tiểu ngã (atman) với Đại Ngã (brahman, chân lý tuyệt đối, tối hậu) để giải thoát khỏi luân hồi, thì đức Phật chủ trương một con đường khác hẳn, một con đường thực tiễn, đặt trung tâm điểm vào con người, gạt bỏ những khái niệm siêu hình và chỉ đặt trọng tâm vào phương pháp diệt khổ. « Cũng như nước các đại dương chỉ có một vị mặn, giáo lý này chỉ có một vị, đó là vị giải thoát » (Kinh Cullavaga).
Ngài chỉ quan tâm đến hiện tượng, đặc biệt hiện tượng tâm lý (đạo Phật do đó được xem là một hiện tượng học, phénoménologie), chứ không đặt vấn đề bản thể (ontologie), siêu hình (métaphysique), như đạo Bà La Môn và Đại Thừa sau này.
Chẳng hạn như về Vô Ngã, bài thuyết pháp thứ nhì của ngài được gọi là Vô Ngã tướng (pali: anatta-lakkhana), nghĩa không có cái tướng của cái ta: « Cái này không phải là ta, cái này không phải của ta… ». Đừng tưởng lầm đó là ta, đó là của ta, mà ôm lấy nó, chấp lấy nó.
Ngài không nói là « không có ta », ngài không phủ nhận cái « ta » bản thể, nhưng không đề cập đến nó.
Khi sa môn Vacchagotta hỏi ngài hai lần là « có ngã hay không có ngã », thì ngài giữ im lặng. Do đó, theo tỳ kheo Thanissaro, nên hiểu bài giảng Vô Ngã tướng là « not self » thay vì « no self ». Khoa học thần kinh ngày hôm nay cũng chứng minh (qua hình ảnh MRI chức năng chẳng hạn) là có những vùng của não được kích hoạt khi người ta ý thức, quan tâm về cái “ta” (self-awareness), và điều đáng ngạc nhiên nhất là thiền định làm quên hẳn ý thức về cái “ta” đó…
Đức Phật không quan tâm đến bản thể của cái ta (l’essence de l’ego), nhưng về hiện tượng (tâm lý) của con người chấp vào cái ta. Ngài giảng Vô Ngã tướng là để khuyên con người bớt chấp vào cái ta, vì tưởng lầm thân này là ta, vật này là của ta…
Chúng ta nên để ý rằng từ lakkhana còn gặp trong tilakkhana (Tam Pháp Ấn), là 3 cái tướng, 3 cái vẻ ngoài của sự vật (les 3 marques de l’existence): vô thường, vô ngã và khổ. Cả 3 đều thuộc thế giới hiện tượng.
Hơn nữa, đạo Phật nguồn gốc (hay nguyên thủy, với chữ n nhỏ) có một kích thước đạo đức (éthique) không thể nào phủ nhận được, mặc dù đạo đức Phật giáo rất là thực tiễn và uyển chuyển: hành động ác hay xấu (akusala) được định nghĩa là gây khổ đau; hành động thiện hay lành (kusala) là chống lại khổ đau.
Và vì đạo Phật hướng về hành động (diệt khổ, giải thoát), cho nên không thể nào tránh được nhị biên.
Đọc Kinh Pali, chúng ta thấy rõ sự phân biệt rành mạch giữa bên này và bên kia : khổ/diệt khổ, phiền não/Niết Bàn, mê/tỉnh, thiện/ác, trí/ngu, buông lung/điều chế, tu/không tu… Kinh Pháp Cú (Dhammapada) trình bầy một cách sáng sủa lời Phật dạy:
- “Vui cười sao được, khi lửa cháy khắp nơi? Bóng tối bủa vây, sao không đi tìm ánh sáng?”
- “Không làm các việc ác, thành tựu những việc lành. Giữa tâm ý thanh tịnh, ấy lời chư Phật dạy.”
Nói tóm lại đức Phật gạt bỏ tất cả những câu hỏi triết lý siêu hình, về bản thể, dù là của con người, sự vật hay vũ trụ. Ngài chỉ giữ im lặng (Mâu Ni, muni có nghĩa là trầm lặng), hoặc gạt bỏ đi bằng một ẩn dụ (như câu chuyện mũi tên độc), trước 14 câu hỏi siêu hình không thể trả lời được.
3) Về Trung đạo, đức Phật chỉ nói đến Trung đạo trong lời mở đầu của bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, tức là Kinh Chuyển Pháp Luân. Ngài khuyên các đệ tử nên tránh hai con đường cực đoan, dục lạc và khổ hạnh, mà chính ngài đã trải nghiệm, để đi trên con đường chính giữa (le juste milieu) hay Trung dung của đạo Khổng. Thông điệp chính trong bài này là Tứ Diệu Đế, là Bát Chánh Đạo, chứ không phải là Trung đạo. Không có gì là « vượt qua hai bên », « bất nhị » như trong tư tưởng Đại Thừa sau này xuất hiện, ít ra 400 năm sau.
4) Trong kinh điển Pali, chứa đựng cốt tủy của đạo Phật nguồn gốc, người ta không bao giờ gặp những khái niệm như Tánh Không (shunyata), Chân Như hay Như Thị (tathata), Phật tánh (buddhata), Như Lai tạng (tathagata-garbha) A Lại Da thức (alaya-vijñana)… Hiển nhiên đó là những tư tưởng Đại Thừa, xuất hiện từ khoảng giữa thế kỷ thứ 1 trước CN và thế kỷ thứ 1 sau CN, qua những bộ Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (đến thế kỷ thứ 5 sau CN mới hoàn chỉnh, theo nhà Phật học Edward Conze), trong đó có Tâm Kinh và Kinh Kim Cương, và vô số Kinh khác, cùng những bộ Luận của các ngài Mã Minh (Ashvagosha), Long Thọ (Nagarjuna), Vô Trước (Asanga), Thế Thân (Vasubandhu), v.v.
Sự đóng góp của ngài Long Thọ nổi bật hơn cả, và theo nhà Phật học André Bareau là "một cuộc cách mạng triết học lớn của Ðại Thừa". Là tác giả của “Trung Quán Luận” (đã được dịch bởi HT Thiện Siêu) và “Đại Trí Độ Luận”, ngài còn là một nhà diễn giải của bộ Kinh Bát Nhã và người dẫn đầu phái Trung Quán (Madhyamaka) và Tánh Không phái (Shunyavada). Ảnh hưởng của ngài lớn đến nỗi các nhà Phật học Tây phương gọi Trung Quán là “Tân phái Trí tuệ” (Nouvelle Ecole de Sagesse), đối lại với “Cổ phái Trí tuệ” (Ancienne Ecole de Sagesse) là Thượng Toạ Bộ (Sthaviravada); Đại thừa cho rằng đó là cuộc Chuyển Pháp Luân lần thứ nhì và coi ngài như một vị Bồ Tát, Thiền tông gọi ngài là vị tổ Thiền thứ 14…
Để giải thích những điểm mâu thuẫn, trái ngược với nhau giữa giáo lý nguồn gốc và giáo lý Bát Nhã (như trong bài Tâm Kinh, về ngũ uẩn, tứ đế, chứng đắc, vô minh, Niết Bàn…) ngài Long Thọ phân biệt hai sự thật, sự thật tương đối (samvriti-satya) và tuyệt đối (paramartha-satya): chẳng hạn như “ngũ uẩn, tứ đế, vô minh, chứng đắc, vô thường” có thể hiểu là sự thật tương đối, và “vô ngã, duyên khởi” là sự thật tuyệt đối.
Có thể nói rằng ngài đã bắc một chiếc cầu giữa giáo lý đạo Phật nguyên thủy và Đại Thừa.
5) Tuy nhiên, theo tôi, cần phải xét lại đâu là triết lý Trung Quán của ngài Long Thọ, đâu là những tư tưởng Đại Thừa không phải là của ngài.
Đầu tiên về khái niệm « bất nhị », phải phân biệt “nhị biên” và “nhị nguyên”, thường được xem là giống nhau:
- “nhị biên” (dualité) là hai bên, như có/không, tốt/xấu, sáng/tối, yêu/ghét, v.v., thuộc về hiện tượng. Sự phân biệt nhị biên là kiến chấp bình thường của con người, cho nên các vị Thiền sư, như Thầy Thanh Từ, mới dậy “không kẹt hai bên”.
- “nhị nguyên” (dualisme) là hai nguyên lý, như tiểu ngã/Đại Ngã, chúng sanh/Phật, trời/đất, thân/tâm, v.v., thuộc về bản thể.
Trong nghĩa đó, « bất nhị » (advaita, tất cả là một) là quan điểm của đạo Vedanta, một phong trào phát triển mạnh tại Ấn Độ sau thời đức Phật: Tiểu ngã chính là Đại Ngã, không phải là hai mà là một. Con người chính là vũ trụ, là Chân lý tuyệt đối, cũng như mọi thành phần của vũ trụ.
Trong nhiều bài Kinh Đại Thừa sau Bát Nhã-Trung Quán (Hoa Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác, Lăng Nghiêm…), người ta cũng sẽ gặp quan điểm “vạn vật đồng nhất” như vậy. Và dĩ nhiên, quan điểm này mang theo những khái niệm như Chân lý Tuyệt đối, Chân Như, Như Thị, Chân Không Diệu Hữu, Phật tánh, Như Lai tạng, v.v., mà chúng ta đã nói tới.
Nhưng phải nói rõ rằng những khái niệm này không có trong Bát Nhã và Trung Quán. Ngài Long Thọ chủ yếu là một luận sư (logicien) đẩy xa sự suy luận bằng phủ định cho đến cùng. Về bản thể, không những không có hai bên (bất nhị), mà ngay cả sự đồng nhất cũng không có (bất nhất, bất dị). Ngài nói 8 cái phủ định, đi từng cặp một (bất sanh bất diệt, bất nhất bất dị, bất thường bất đoạn, bất khứ bất lai), nhưng còn có muôn vàn cái phủ định khác.
Bất cứ một ý định nào diễn tả, xác định, nắm bắt sự thật cũng bị phủ định. Không có một cái gì có thể nắm bắt được sự thật, vì không có sự thật có thể nắm bắt được. Cuối cùng chỉ có sự im lặng. “Xin cúi đầu đảnh lễ đức Như Lai”…
Các nhà Phật học, như Kalupahana, cũng công nhận rằng triết lý của ngài Long Thọ là phù hợp nhất với giáo lý nguồn gốc của đức Phật. Cũng như các tác giả của bộ Kinh Bát Nhã, từ Duyên khởi ngài luận ra Tánh Không. Nhưng cũng như họ, ngài không bao giờ nói đến Chân Như, Như Thị, Chân Không Diệu Hữu, hay sự hoà nhập của con người với Chân lý tuyệt đối, v.v., như giáo lý Đại Thừa sẽ phát triển sau này.
Dĩ nhiên giáo lý Đại Thừa còn nhiều đặc điểm khác so với giáo lý nguồn gốc, như lý tưởng Bồ Tát, thuyết Tam Thân đức Phật, phương tiện thiện xảo, đức tin, v.v. nhưng những điều đó sẽ kéo chúng ta đi quá xa…
Nói tóm lại, theo tôi không thể trộn lẫn giáo lý nguồn gốc, nguyên thủy với giáo lý phát triển, Đại Thừa. Và ngay cả trong Đại Thừa, cũng không thể đồng hóa tư tưởng Bát Nhã – Trung Quán với những tư tưởng khác.
Đạo Phật nguồn gốc là một phong trào phản kháng chống lại với giáo lý chính thống Bà La Môn, từ Veda đến Vedanta, đắm mình trong bản thể, siêu hình; Đại Thừa cũng là một phong trào phản kháng phát xuất từ Đại Chúng Bộ (Mahasanghika), chống lại với giáo lý chính thống Thượng Toạ Bộ, thúc đẩy bởi nhu cầu siêu hình và sùng tín (bhakti) của quần chúng. Chính vì đó, những quan điểm về bản thể, nhất thể, quay một vòng trở lại. Cũng như ở mọi nơi trên thế giới, con người bị sự “khao khát tuyệt đối” (soif de l’absolu), còn gọi là sự “say cuồng tuyệt đối” (rage de l’absolu), thúc đẩy người ta tìm kiếm một cái tuyệt đối siêu hình… mà chính đức Phật xưa kia đã gạt bỏ!
Trong bài này (tôi xin lỗi là đã quá dài dòng!), xin các anh chị hiểu cho: tôi không muốn bênh vực đạo Phật nguồn gốc hay chỉ trích Đại Thừa. Mỗi con đường có cái hay của nó và thích hợp cho mỗi cá nhân. Không ai đúng, không ai sai. Đúng hay sai là do mình học, do mình tu ra sao, và chỉ có mình mình biết mà thôi...
Tôi chỉ muốn nói là theo tôi, nên học đạo Phật theo quá trình lịch sử của nó, một cách khoa học, gạt bỏ những huyền thoại không có nghĩa lý gì ngoài biểu tượng, những khái niệm mơ hồ, “nói sao cũng được”, không mang lại gì cụ thể.
Điều nguy hại, theo tôi - và đó là điều tôi vẫn tự nhủ - là khi bay bổng trên một đám mây với những khái niệm siêu hình về bản thể mà mình cho rằng thâm thúy, siêu việt nhất của đạo Phật, thì mình có thể quên đi thông điệp chính yếu của đức Phật Thích Ca là: sống bây giờ và tại đây, tu và chuyển tâm theo con đường “giới, định, huệ” để tự mình giải thoát, đồng thời giúp mọi người giải thoát khỏi khổ đau.
Xin thứ lỗi nếu làm phật lòng ai vì những lời nói trên, và xin các bạn cứ thẳng thắn thảo luận phê bình, tôi xin chắp tay đón nhận.
Kính thư,
Nguyên Phước (BS Trịnh Đình Hỷ)
(22/09/2015)

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Cây Dó Lông (cây An Xoa)

Nhật Trang
Photo by nhattrang

photo by nhattrang

photo by nhattrang

  • photo by nhattrang

photo by nhattrang

photo by nhattrang

photo by nhattrang

photo by nhattrang

photo by nhattrang

photo by nhattrang

Ươm hạt giống thật lâu mới nẩy mầm, cây phát triển chậm


Tham khào thêm
http://nhattrang1997.blogspot.com/2012/12/hoa-rung.html

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

DU HÝ TAM MUỘI


DU HÝ TAM MUỘI

 "Tam-muội"  dịch âm chữ Phạn "samādhi", dịch nghĩa là "chính định" , nghĩa là tập trung tinh thần, giữ tâm tĩnh lặng không tán loạn.
◎Như: "du hý tam-muội"
  nhập định xuất định thuần mặc tự nhiên.
http://hvdic.thivien.net/han/tam%20mu%E1%BB%99i
* * *
Tam muội là tam ma địa, tên khác của Thiền định, tức là tâm chuyên chú vào một cảnh.
Du hý tam muội cũng như đùa giỡn một cách vô tâm, nghĩa là tâm không dính mắc, không bị lôi kéo, nhậm vận tự như, được tự tại đối với các pháp. Cũng tức là đạt được không, vô sở đắc, tiến lui tự do tự tại, không một mảy may vướng mắc.
Lục Tổ Đàn Kinh phẩm Đốn Tiệm (Đại 48, 358 hạ) nói: “Người đã thấy tính thì có lập cũng được, không lập cũng được, đi lại tự do, không động không ngại, tùy thời ứng dụng, tùy hỏi mà đáp, hóa thân khắp nơi, không lìa tự tính, tức là được tam muội du hý thần thông tự tại, ấy gọi là thấy tính”.
http://phatam.org/dictionary/detail/tu-dien-phat-quang/2/D/15189/du-hi-tam-muoi/7

* * *
“Du hý có nghĩa là tự tại, không bị câu thúc. Du hý tam muội là một loại thiền định, trong đó thân tâm của người hành thiền hoàn toàn tự do tự tại. 
Kinh Pháp Bảo Đàn viết: “Người kiến tánh rồi, không đứng cũng được, đứng cũng được, đi lại tự do, không bị ngăn ngại, tùy công việc mà ứng dụng, tùy câu hỏi mà trả lời, hiện hóa thân khắp nơi mà không xa lìa tự tánh, tức là chứng được tự tại thần thông du hý tam muội”.



Sen hồng Quê Nội



Năm ấy về thăm quê Nội 
ao sen còn thắm nắng còn nồng 
Nay vườn đã tàn nghe trống vắng 
còn lại chút tình giữ mãi trong tim...

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

hạc bay...



ru...

ru người nhẹ cánh hạc bay
vi vu một cõi tĩnh say giữa trời
ru người giũ gánh, vô thời
miên man dạo khúc trao lời hoan ca...

hạc bay...

mang trăng về chốn mây hồng
nhẹ trên đôi cánh lướt vòng nhân gian
hạc bay ẩn hiện trăng vàng
ta về yên giấc mênh mang cõi lòng...


người về...

chiều đông thấp thoáng ánh vàng
người về từ cõi gió mây cuối trời
nghe như tiếng hạc gọi mời
tình thơ trải mộng dìu người về non...


Nhật Trang - 06.12.2008

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

chiếc tổ chim Sâu bé xinh



Chim Sâu làm tổ trên cành cây Viết
Nhật Trang
06.9.2015













Màu tím thương...

Màu tím lắng đọng âm ỉ lan tỏa trong tâm hồn...
niềm thương cho nhân sinh...
đừng chiến tranh nữa...
Chúa Nhật an lành...

Nhật Trang

06.9.2015



Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015